Thư sinh họ Diệp
Thư sinh họ Diệp
Miền Hoài Hương có chàng thư sinh họ Diệp, không rõ cả tên và tự. Văn chương từ phú trội nhất đương thời, nhưng đến đâu cũng lận đận, long đong khốn khổ mãi trong trường công danh.
Gặp lúc ông Ðinh Thừa Hạc, người Ðông Quan, đến làm quan ở ấp ấy, xem văn chương của chàng, cho là kỳ tài, bèn mời đến đàm đạo.
Ông rất bằng lòng, cho chàng đến ở trong dinh thự, cơm nước đèn sách, cấp cho đầy đủ, thỉnh thoảng lại gửi tiền thóc về giúp đỡ gia quyến nữa.
Ðến kỳ sơ thí, ông hết sức tán dương văn tài của chàng trước mặt quan học sử, rồi đó chàng đỗ đầu hàng xứ.
Ông trông mong vào chàng rất tha thiết; sau khi vào trường thi Hương, cho lấy văn của chàng để xem và đọc vừa gõ bàn đánh nhịp, ngợi khen không ngớt.
Ngờ đâu thời vận neo người, văn chương ghen mệnh, bảng đã treo, lại hỏng tuột.
Chàng trở về, choáng váng tê mê, trong lòng lại thẹn là mình đã phụ người tri kỷ, thân hình gầy ruộc như bộ xương còn đứng, người ngây ra như khúc gỗ.
Ông nghe tin, cho mời đến an ủi.
Chàng rơi lụy dầm dề.
Ông rất thương tình, hẹn đến khi nào mãn kỳ khảo tích về kinh thì đem chàng cùng đi.
Chàng rất cảm kích cáo từ ra về , từ đấy đóng cửa không đi đâu nữa.
Chẳng bao lâu chàng lâm bệnh, ông luôn luôn hỏi thăm và đưa quà, nhưng thuốc uống đã trăm thang mà vẫn không công hiệu. Vừa lúc ấy ông lại có điều xúc phạm đến quan trên, bị cất chức, sắp về nhà, viết thư cho chàng, đại lược nói rằng: “Tôi nay mai về Ðông, mà sở dĩ còn chần chừ chưa đi ngay, là chỉ vì muốn chờ túc hạ đi đó thôi. Túc hạ đến buổi sáng, thì buổi chiều là tôi khởi hành…”
Thư đưa đến bên giường nằm, chàng cầm xem khóc sụt sùi, rồi nhắn sứ giả về nói là đang bị bệnh nặng, khó bình phục ngay được, xin cứ đi trước.
Sứ giả về bẩm, ông không nỡ đi, ráng ở lại chờ.
Qua mấy hôm, người canh cổng báo có chàng họ Diệp đến, ông mừng quá, ra đón mà hỏi han.
Chàng nói:
- Vì cái bệnh của thân hèn để đại nhân phải chờ đợi lâu, lòng này thật áy náy không yên. Nay, may đã có thể ráng theo kịp dấu giày chân ngựa.
Ông bèn gói buộc hành trang lại, để dậy sớm ra đi.
Chẳng mấy ngày đã về đến làng, ông cho con thụ giáo với chàng, đêm ngày ở liền bên cạnh.
Cậu con tên là Tái Xương lúc bấy giờ mới mười sáu tuổi, chưa biết làm văn chương nhưng thông minh lắm, phàm văn bài cử nghiệp, xem qua hai ba lần thì không quên nữa. ở được một năm, cậu đã hạ bút thành văn, nhờ có thêm thế lực của ông, bèn được nhận vào nhà học của huyện.
Chàng bàn chép lại những bài văn cử nghiệp đã làm lúc bình thời đem hết cho công tử học.
Vào trường thi, bảy đầu đề không sai đề nào, công tử liền đậu á khôi.
Một hôm ông bảo chàng rằng:
- Túc hạ chỉ vứt ra một mối tơ thừa mà cũng đủ làm cho thằng trẻ nên đanh, nhưng còn quả chuông vàng kia cứ bị bỏ rơi mãi thì làm thế nào?
Chàng nói:
- Ðiều đó e rằng có mệnh. Tôi mượn cái phúc trạch của đại nhân để hà hơi cho văn chương, khiến người thiên hạ biết rằng nửa đời luân lạc không phải vì kém tài đánh trận, như thế là thỏa nguyện rồi. Vả chăng kẻ sĩ mà được một người biết, đã đủ không ân hận nữa, cần gì phải đỗ đạt mới đắc chí?
Ông thấy chàng xa nhà đã lâu, sợ nhỡ mất kỳ sát hạch năm, khuyên chàng nên về thăm nhà. Chàng rầu rĩ không vui. Ông cũng không nỡ ép, bèn dặn công tử khi đến kinh đô thì nạp thóc hộ chàng, công tử lại giật giải Nam Cung được bổ chức Chủ sự trong bộ, đem chàng vào Giám sớm tối gần nhau.
Qua một năm, chàng vào trường thi Hương ở kinh, đỗ Cử nhân.
Vừa lúc ông được bổ đi coi thi ở Hà Nam bàn nhân tiện nói với chàng rằng:
- Chuyến đi này không xa quê hương tiên sinh là mấy. Nay hãy nhẹ bước đường mây, tiên sinh cũng nên một phen về làng cho được khoái chí.
Chàng cũng mừng. Rồi chọn ngày tốt lên đường.
Ðến địa giới Hoài Dương, công tử cho người và ngựa đưa chàng về.
Ðến nhà thấy cổng ngõ tiêu điều, chàng chạnh lòng buồn bã lững thững đi vào sân.
Người vợ cầm nong nia đi ra, thấy chàng thì vứt xuống sợ hãi bỏ chạy.
Chàng rẫu rĩ mà nói:
- Ta bây giờ đã nên danh phận rồi. Mới ba bốn năm không thấy mặt, sao bông như không quen biết nhau vậy?
Người vợ đứng xa mà bảo rằng:
- Chàng chết đã lâu, còn nói nên danh nên phận gì nữa?
Sở dĩ còn để mãi linh cữu trong nhà, là vì nhà nghèo con bé đó mà thôi! Nay thằng cả đã khôn lớn, cũng đang tìm một ngôi đất để đưa chàng ra. Chớ nên hiện về làm gở để quấy người sống.
Chàng nghe nói thì bùi ngùi rũ rượi, bàn lững thững đi vào trong nhà, thấy linh cữu rành rành, liền ngã ra giữa đất mà biến mất.
Người vợ kinh hãi nhìn xuống thấy áo mũ giày tất bỏ đấy, như cái xác lột. Nàng mũi lòng quá, ôm xống áo khóc lóc. Người con đi học về, thấy một cỗ xe ngựa buộc ở trước thì dò hỏi xem ở đâu đến, rồi kinh hãi chạy về báo với mẹ.
Mẹ gạt nước mắt kể lại chuyện vừa xảy ra. Lại hỏi kỹ những người theo hầu mới biết rõ đầu đuôi.
Người theo hầu trở về, công tử nghe tin nước mắt rơi ướt cả ngực, lập tức lên xe, đến tận nhà mà khóc, rồi bỏ tiền lo liệu việc tang, chôn cất theo lệ hiếu liêm.
Lại chu cấp rất hậu cho đứa con, mời thầy về dạy và gửi gắm cho quan học sứ, hơn một năm sau được vào nhà học phán.
Xem tiếp:Thư sinh họ Diệp