KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN TÌNH

Lúc đấy tôi đang tìm tư liệu để viết về thực trạng rối loạn tâm thần ở người già. Tôi thấy ông, ngồi một mình trên ghế băng, đầu nghiêng sang bên, thầm thì suốt một buổi chiều, giống như là đang kể chuyện cho ai đó. Đúng là một trường hợp điển hình để bắt đầu cho tập tư liệu này.

Tôi quan sát ông hai buổi chiều như thế. Hôm nào ông cũng ra công viên đúng giờ ấy, ngồi trên đúng chiếc ghế băng ấy, ở đúng vị trí ấy, đầu nghiêng sang bên ấy, và thầm thì.

Cuối cùng tôi quyết định lại gần. Tôi muốn nghe được câu chuyện của ông.

Tôi đến trước mặt ông, im lặng chờ phản ứng, rồi từ từ, tiến về phía ghế trống. Ông, bỏ dở câu chuyện của mình, ngước lên nhìn tôi, vẻ thực là không hài lòng lắm. Trông ông hoàn toàn bình thường.

(Tôi nghĩ, rối loạn tâm thần do tuổi tác khiến con người ta có thể trông hoàn toàn khỏe mạnh bình thường mà đầu óc tư duy lại đi theo hình chỉ rối). Cũng vì trông ông không có biểu hiện gì của bệnh nhân, khiến tôi hơi bối rối. Cuối cùng, tôi lên tiếng xin được ngồi cạnh ông.

Ông ngần ngừ: "Vẫn còn rất nhiều chỗ trống, cô không phiền tìm một chỗ khác giùm tôi được sao?".

"Bác có hẹn ạ?"

Ông im lặng. Một hồi.

"Cũng không hẳn là hẹn. Mà cũng gần như thế... Cô nhất định phải ngồi chỗ này sao?"

Tôi xin ông chỉ ngồi ở đầu ghế, vẫn chừa lại một khoảng rộng ở chỗ cạnh ông. Ông ngẫm nghĩ, rồi lẩm bẩm: "Em có đồng ý không?".

Tôi ngồi yên và giở sách báo của mình ra đọc. Nói đúng hơn là giả vờ đọc. Ông thì đã yên tâm quay lại câu chuyện của mình. Ông kể về cuốn sách mà ông đang đọc. Ông bảo: "Hẳn em sẽ thích nó".

Ông nói tiếp về cuộc hẹn với vài người bạn từ thuở nảo thuở nào của ông cách đây vài hôm. Ông bảo: "Thằng Qua mà em đã gặp mấy lần rồi ấy, nó không đến được. Nó đã ốm lắm rồi".

Ông kể về rất nhiều những điều linh tinh lặt vặt khác, giống như một cuộc trò chuyện thực sự, nhưng là cuộc trò chuyện một phía, nghĩa là chỉ có ông kể mà thôi.

Tôi từng biết nhiều trường hợp người già cô đơn, thành ra luôn tự nói chuyện một mình. Nhưng ông không hẳn là thế. Ông ngồi nói chuyện thảnh thơi với chỗ trống bên cạnh ông. Nhưng đến khi ông đứng lên, chào chỗ trống ấy, gật đầu chào tôi, và đi về, ông lại im lặng. Như tất cả những người già bình thường khác.

Hôm sau tôi đến sớm hơn và ngồi ghế ấy trước. Ông vẫn đến đúng giờ, có vẻ hơi bất ngờ khi nhìn thấy tôi. Rồi ông cất tiếng hỏi, xem tôi có phiền không nếu có thể nhường ông chỗ ấy.

Tôi thì muốn ông ngồi lại như buổi chiều hôm trước. Tôi hứa không làm phiền gì đến ông cả.

Ông ngồi xuống. Im lặng. Suy nghĩ rất lâu. Vẫn dành ra một chỗ trống giữa đầu ghế của tôi và ông. Rồi ông cất tiếng, chậm rãi:

"Tôi đúng là có hẹn ở đây. Vào tất cả các buổi chiều."

Tôi quay sang ông, chờ đợi.

Ông tiếp:

"Tôi từng có hẹn ở đây. Vào tất cả các buổi chiều."

Và ông bắt đầu câu chuyện của mình, không phải với chỗ trống, mà với tôi. Ông kể rằng ông từng có hẹn với một người bạn gái, ở đây, đúng vị trí này, mỗi đầu giờ chiều. Chỉ là để nói chuyện thôi.

"Cô biết đấy, nói chuyện là một nhu cầu. Giống như ăn vậy. Nghe nhiều quá cũng có thể ứ nghẹn như bội thực. Nhưng không được nghe cũng có thể kiệt sức như chết vì đói.

Không thể biết được chúng tôi đã quen nhau bao lâu, từ khi nào. Khái niệm thời gian đã không còn rõ ràng nữa. Chỉ có cảm giác là còn lại.

Có những khoảng dài trong cuộc đời chúng tôi không gặp nhau, không có tin tức của nhau. Giống như là tự biến mất trong cuộc đời của người còn lại.

Nhưng rồi lại đến một hôm, lúc ấy là cuối của buổi tiệc lớn, tôi thậm chí không thể nhớ là tiệc vì lý do gì nữa. Khi tất cả mọi người đều đã ăn và đã uống, đã nói rất nhiều những câu chuyện với rất nhiều những người bạn khác nhau. Rồi bỗng dưng tôi ngồi lại trên ghế của mình. Im lặng. Nghe những người còn lại nói.

Một buổi tiệc đông đúc và ồn ào, khi bắt đầu thì tất cả cùng nâng ly, lúc kết thúc lại tách thành những nhóm người nhỏ, nói những câu chuyện nhỏ, với nhau. Đấy là lúc con người ngồi lại trên ghế và nhìn nụ cười của những người khác, nghe câu chuyện của những người khác, con người đấy sẽ biết mình cô độc nhất.

Vào thời điểm ấy, ngay lúc ấy, trên chiếc ghế ở bàn tiệc ấy, cô không tin được đâu, tôi đã nhìn thấy cô ấy, ở góc phòng bên kia. Cũng ngồi một mình. Nhìn nụ cười của những người khác. Nghe câu chuyện của những người khác. Chúng tôi đã gặp lại nhau như thế. Cùng tham dự một buổi tiệc mà không cụng ly với nhau. Chỉ ngồi lại khi mọi ly đều cạn. Và bắt đầu câu chuyện, của riêng chúng tôi."

Sau đó, ông đã hẹn với người bạn ấy, để nói về tất cả những điều lặt vặt và li ti, nói về thời tiết, về công việc, về sách báo, về xã hội, tất cả, trừ về nhau. Chuyện đấy cũng không hẳn quan trọng. Chẳng nhất thiết phải nói về nhau mới hiểu được nhau.

"Và chuyện hiểu nhau thực cũng chẳng quan trọng nốt. Quan trọng nhất là có người để chia sẻ mỗi phút giây" - Ông bảo.

"Đấy, chúng tôi chỉ nói chuyện lặt vặt thế thôi. Cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhưng đã thành thói quen và nhu cầu rồi, nên hôm nào tôi cũng phải ra đây, và kể những câu chuyện nhỏ nhỏ của mình."

Hôm nào có những chuyện buồn rất buồn thì chúng tôi im lặng. Những chuyện buồn rất buồn không cần được nói ra. Chỉ cần ngồi cạnh nhau. Im lặng. Và bảo rằng hôm qua mới có một con kiến nữa lại chết đuối trong cốc nước cam. Vậy là đủ. Chúng tôi đã nói chuyện như thế trong suốt mười năm. Mười năm ba tháng hai mốt ngày.

"Rồi sau đó?" - Tôi buột miệng hỏi.

"Bà ấy bốc hơi."

"Có lẽ cô không biết, vì thời ấy chắc cô chưa ra đời. Có một năm cả thành phố bị bệnh dịch, ai nhiễm dịch sẽ bị bốc hơi. Đấy là căn bệnh kinh khủng hơn mọi bệnh dịch khác.

Với dịch khác, người ta có thể chết, nhưng họ hàng người thân vẫn luôn nhớ đến họ. Căn bệnh này thì khác. Không ai xác định được nó lây lan theo đường gì. Cũng không ai biết làm sao đến một ngày bệnh dịch chấm dứt. Nhưng những ai mắc bệnh, họ sẽ bị bốc hơi, biến mất, không một dấu tích.

Bốc hơi cả trong tâm trí những người còn sống, nghĩa là, không ai nhớ gì đến họ nữa. Hoàn toàn biến mất như chưa từng tồn tại. Chính vì thế tài liệu về đợt dịch này còn lại rất ít. Người ta không mấy ai có thể nhớ được về nó, cũng như những người từng mắc nó.

Cùng với đợt dịch ấy có một căn bệnh khác xuất hiện, khó lây lan và rất ít người bị, đấy là bệnh kết tủa. Những người bị bệnh kết tủa có khả năng nhớ về mọi thứ, kể cả về những người đã biến mất do bốc hơi. Quan trọng nhất, đấy là, một khi đã mắc bệnh này, họ, sẽ rất khó chết."

Tôi không biết phải nói gì. Ông trông rất già nhưng không có vẻ lẩm cẩm, dù tôi đã lân la tiếp cận ông để tìm tài liệu về bệnh rối loạn tâm thần do tuổi tác. Nhưng đến khi nghe ông nói tôi không còn thấy biểu hiện rối loạn nào. Chỉ có câu chuyện của ông là kỳ lạ. Gần như hoang tưởng vậy.

Tôi xin phép ông về, ngay lập tức vào thư viện tìm hiểu về dịch bốc hơi và bệnh kết tủa. Không có một kết luận nào rõ ràng, có một vài nghiên cứu nhưng không có kết quả về hai căn bệnh ấy. Chỉ có duy nhất một số liệu chính xác: Năm đại dịch bắt đầu cách đây bảy mươi ba năm.

Hôm sau tôi lại đến gặp ông, xin nghe tiếp câu chuyện đang bỏ dở. Ông hỏi tôi có tin không? Nếu không tin thì đừng nghe. Tôi bảo tin. Khi người ta trẻ, người ta tin mọi điều.

"Như vậy là ông bị bệnh kết tủa?"

Ông gật.

"Thật là tệ. Không ai biết bị bốc hơi hay bị kết tủa, điều nào đáng sợ hơn. Cũng như không ai biết bị tất cả mọi người quên lãng, tựa như mình chưa từng bao giờ tồn tại, hay phải nhớ tất cả mọi điều và không thể chết, điều nào đáng sợ hơn."

Vậy là ông vẫn ra đây, đến chỗ hẹn này, bảy mươi ba năm nay ngồi nói chuyện với chỗ trống.

"Như tôi đã nói đấy. Trò chuyện là một nhu cầu, thiết yếu như thức ăn nước uống. Chuyện là thực phẩm của tâm hồn"

Bỗng dưng tôi muốn hỏi về những người bị kết tủa. Họ sẽ ra sao? Làm sao con người ta có thể sống mãi và nhớ mãi.

"Họ có thể tự tử - ông nói - Tự tử, nghĩa là im lặng, không nói gì với ai nữa, không chia sẻ gì với ai nữa, tự cô độc mình lại, để quên đi. Đến khi họ có thể quên mọi điều, khi họ có thể không cần một ai để chia sẻ nữa, họ sẽ có thể chết.

Đã nhiều người làm cách ấy, bởi sống trên đời mà tất cả người thân của mình đều đã ra đi thì thật buồn. Sống và phải nhớ tất cả những gì từng diễn ra cũng buồn chẳng kém.

Nhưng tôi chưa chết được. Tôi vẫn có nhu cầu được kể chuyện, cho dù chỉ là tới chỗ cũ, và trò chuyện với một người đã bốc hơi, nhưng tôi vẫn cần điều ấy. Đấy là một thôi thúc mạnh hơn cả cái chết."

Sau buổi trò chuyện ấy tôi đã để ông yên, để ông được trở lại với những câu chuyện dang dở của ông. Thỉnh thoảng buổi chiều qua công viên vẫn thấy ông ngồi trên chiếc ghế ấy, nghiêng đầu, thầm thì với chỗ trống bên cạnh.

Bài viết về rối loạn tâm thần ở người già của tôi thế là hỏng. Thay vào đấy tôi viết một bài khác về tình yêu. Mà cũng chẳng hẳn là tình yêu. Nhưng biên tập đã gạch đi. Chuyện diễm tình thì thừa thãi quá rồi, không ai muốn nhắc đến nữa, ái tình, toàn ái tình!

Vậy là tôi không có bài để nộp.
Từ khóa : , KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN TÌNH, KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN TÌNH